Thứ Năm, 11 tháng 5, 2017

Tấn

Bạn Tấn...

Nguyễn Hồng Cương

      Vào khoảng đầu thập niên 70, trong cộng đồng Việt Nam ở đại học Laval, ai mà không biết ba anh em nhà họ Trần thì chắc chắn không phải là Mít. Riêng tôi thì rất rõ về họ. Tôi qua cùng năm với Tư An, sau này có biệt hiệu giang hồ là Giáo Móm, ở chung cư xá và học chung lớp. Sau một năm trụ trì trong cư xá đại học, hai đứa bị mời ra ngoài, cũng may được anh Hai và người yêu rước về cho ở chung ấp.
      
       Chú Năm qua sau tôi khoảng hai năm. Đặc biệt chú rất nhiều tên. Trên thẻ căn cước, tên của chú là Nam, nhưng anh em, bạn bè ai ai cũng gọi chú là Tấn, qua đến Québec chú lại có tên tây là Ô-Ma Tà-Líp, có lẽ vì chú hơi giống Dr Zhivago, với bộ râu mép và mầu da lai miên của chú. Giống như hai ông anh, chú rất thích chơi bài. Khi chơi phé, binh xập-xám hoặc đánh cát-tê, gương mặt chú ra vẻ nghiêm trọng, hai mắt liếc trái, liếc phải, hù địch thủ. Từ đó, người đời lại đặt thêm cho chú cái biệt danh Giáo Gian. Đặc biệt là anh em nhà họ Giáo ở bất kỳ chỗ nào cũng có thể sát phạt nhau được. Thậm chí nhiều khi ngồi cafétéria đợi vào cours, quên không mang cỗ bài theo nhưng họ cũng ráng gỡ gạc,  mở tự điển cộng số trang lại rồi chơi như bài cào.

      Lúc còn đi học ai cũng như ai, xa nhà nên lấy bạn bè làm gia đình,  anh em rất gắn bó, đoàn kết. Tuy không cùng lớp và cũng không cùng phân khoa với Tấn, nhưng chúng tôi gặp nhau hầu như mỗi ngày. Tôi ở ngoài “ấp” gần trường đại học, mỗi tối sau khi xong bài vở, buồn tình không biết làm gì  lại rủ mấy “roommate” lội bộ vào Pavillon Parent chơi với Tấn và mấy bạn khác. Trong tuần thì đánh billard, ping-pong, hoặc ngồi tán dóc, phì phèo điếu thuốc, uống cà-phê dưới sous-sol. Khi nào chán lại kéo nhau lên phòng chơi bài, nghe nhạc, gọi pizza hoặc cơm tầu về nhậu. Cuối tuần thì rủ nhau qua Pollack uống một hai ly bia, và ...thực tập sinh ngữ với mấy cô bạn “ngoại quốc”.  Dạo đó, một chai bia chỉ có 75 xu, rẻ chán, bao qua bao lại nhau, mỗi đứa có thể làm hai ba xị... Lâu lâu, thường là vào những ngày đầu tháng khi mới nhận được chuyển ngân, Tấn hay rủ chủng tôi ra Au Pied de la Tour, đường Myrand. Bia ở đây rất lạnh, được rót vào ly thủy tinh nên ngon hơn ở Pollack nhiều.

      Trường Laval không cho cours hè nên từ tháng 5 đến tháng 9, chúng tôi rẩt rảnh rỗi. Cư xá đại học vắng tanh, chỉ lèo tèo mấy Mít, Đén và Rệp, Còi thì về quê hoặc đi làm xa. Ngày nào trời đẹp anh em ra sân đá banh, tập dợt tới chiều, sau đó cùng nhau mổ trái dưa hấu ra giải khát; trời xấu thì tụ tập ở sous-sol. Lâu lâu may mắn thì tìm được việc hè, kiếm chút cháo bao anh em ăn uống. Chẳng hạn có một năm tôi đi giao đồ ăn cho nhà hàng Hong Kong, đường Myrand. Thế là mỗi ngày khoảng 12 giờ trưa tôi chở Tấn và vài bạn ra la cà ngoài tiệm, trong lúc tôi đi giao hàng thì anh em ngồi ăn egg roll và Pork yet ca men, trọc ghẹo Gilles, chú chệt chủ tiệm. Một năm khác, khoảng giữa tháng 8, Tấn theo chú Tư đi Ontario hái thuốc lá. Đáng lẽ phải một tháng mới trở lại đi học, thế mà chỉ hai ba hôm sau là thấy Giáo Gian lủi thủi quay về: “cực quá em không thích“. Tôi nghĩ bụng: “có lẽ ở trang trại thuốc lá không có bàn billard và ông chủ cấm uống bia”.

Từ trái sang phải. Ngồi: Phụng, Tấn, Trấn, Hiếu, Nghiêm
Đứng: Ân, Đức, Trung, Thừa, Hải, Chí, Dũng, An, Toàn, Phi, Bửu

      Sau 75, cũng như một số đông các anh em Laval, tôi lên Montréal đi làm. Tấn cố thủ ở lại Québec thêm vài năm, sau đó cũng xin nhận Montréal làm quê hương. Mấy tuần đầu vì chưa tìm ra ấp nên Tấn về ở chung với tôi ở Longueuil. Cùng thời điểm này, gia đình tôi qua Canada, thế là cả nhà tôi ai cũng biết, và rất quý Tấn. Tôi có hai ông em trai, xấp xỉ tuổi Tấn, cả ba rất tâm đồng ý hợp, chiều chiều hay mượn chiếc Renault 5 của tôi đi quậy làng, quậy phố. Sau này có gia đình, tôi dọn về Brossard và khoảng hai năm sau, tình cờ hi hữu, Tấn và cô vợ trẻ cũng mua nhà cách chỗ tôi ở khoàng 5 phút đi bộ. Mới quen nhau mà đã kết ngay, hai cô vợ trẻ đã trở thành đôi bạn thân và cho đến ngày nay tuy sắp đến tuổi làm bà nội, mà họ vẫn còn “phôn” nhau mỗi ngày để tâm sự và xí-xọn...

      Có lẽ vì vậy mà tuy quen biết hai ông anh trước, tôi lại thân và gần với Tấn hơn.   



Lời người trình bày. Nhắc đến Tấn, các anh chị, bạn bè ở Brossard đều không quên những nhánh bạc hà bụ bẫm mà Tấn đã mang đến tận nhà từng người vào cuối hè, và còn những khúc bầu đại bự nữa ...nhưng vừa non vừa ngọt bùi... Người ta thường nói: ai có tay trồng cây đều là người hiền...

   




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét