Thứ Bảy, 13 tháng 5, 2017

Thầy Vinh


Cha mẹ cho con hình hài, nhưng Thầy cho con tất cả: đó là lời nói tuy đơn giản, nhưng đượm thắm tình người, của một người học trò, một thời sống dưới bàn tay che chở của Thầy. Thầy chỉ còn một bàn tay; nhưng cánh tay của Thầy lại rộng mở để đón đưa, che chở không phải chỉ một đứa trẻ xấu số, mà còn không biết bao nhiêu trẻ lạc loài. Trong mắt các em, Thầy không phải chỉ là một người thầy, mà còn là một người anh, một người cha sẵn sàng che chở, bao dung, dạy dỗ, lấy bản thân mình làm gương sáng để chứng minh rằng kiên nhẫn và khối óc có thể khắc phục những khó khăn mà thoạt nhìn tưởng chừng như không thể.

Thầy chính là người nhạc sĩ tài hoa, nép mình trong nếp áo thầy giáo làng ở thị trấn Mỹ Phước, Bến Cát, Bình Dương: Thầy Nguyễn thế Vinh.

Người ta biết đến Thầy qua các phương tiện truyền thông. Người ta thương hại Thầy vì Thầy từng có một dĩ vãng không may. Người ta cảm phục ý chí kiên cường và sự kiên nhẫn của Thầy khi biết Thầy tự mình vươn lên từ chỗ khó khăn. Người ta cũng cảm phục sáng kiến của Thầy khi Thầy đã dùng những gì còn lại của mình để tạo nên những gì chưa có trên đời. Người ta cũng mến Thầy qua các lần Thầy trình diễn âm nhạc. Nếu chỉ vỏn vẹn có thế, thì đời sau chỉ nhớ đến Thầy qua tên nhạc sĩ Nguyễn thế Vinh. Nếu chỉ vỏn vẹn có thế, thì Thầy vẫn chưa đáng được đời nhớ đến Thầy với danh hiệu “Thầy Vinh”!

Từ bao năm qua, nhạc sĩ Nguyễn thế Vinh đã như con chim, bay sang trời Âu, bay qua Bắc Mỹ, bay đến Nhật bản, đem tiếng đàn nối kết tình người. Nhờ đó mà các chương trình nhạc giao hưởng Nhật-Việt đã thường xuyên xuất hiện trên các sân khấu ở Sài Gòn, ở Morioka . Nhờ đó mà nhiều người ở hải ngoại được dịp gặp gỡ, phỏng vấn nhạc sĩ, để biết chắc rằng các bài báo, các hình ảnh trên YouTube không phải là ngụy tạo; đồng thời để biết thêm về nhân cách khiêm tốn, nhã nhặn của người nhạc sĩ tài hoa. Và cũng được dịp biết thêm rằng đằng sau hình ảnh của một người nhạc sĩ còn có một hình ảnh khác, vĩ đại hơn, của một người từ chối xa hoa và lợi ích cá nhân, dốc hết lòng nuôi nấng, dạy dỗ những đứa trẻ lạc loài.

Năm nay, 2017, Thầy Vinh tròn 47 tuổi, ở lứa tuổi trung niên mà nhiều người khác đã lập gia đình từ lâu. Thầy Vinh vẫn chưa lập gia đình. Không phải tại vì không có người khác phái để ý đến Thầy. Cũng không phải tại vì trái tim Thầy không biết rung cảm trước sắc đẹp của người khác phái. Mà có lẽ tại vì nỗi lo của một người cha, sợ rằng người kế mẫu không thể thương yêu con chồng trọn vẹn, sợ rằng sự hy sinh bất đắc dĩ của người vợ để cố gắng thương yêu con chồng sẽ giết dần mòn người vợ của mình. Vì vậy mà từ bao năm qua, Thầy vẫn gà trống nuôi con. Mong rằng sẽ có một ngày, duyên trời sắp đặt để các con của Thầy có thêm người mẹ, hết lòng thương yêu con chồng, để Thầy tìm được mái ấm gia đình, một thiếu sót trong đời mà Thầy âm thầm gánh chịu hơn 40 năm qua.

Ai có dịp sống gần Thầy mới biết Thầy làm việc không ngừng nghỉ. Suốt ngày Thầy tất tả ngược xuôi. Chưa kịp xem xong các giấy tờ chi thu cho trung tâm (Hướng Dương) ở Bến Cát thì chuông điện thoại reo, có người hối giục Thầy về Sài Gòn để lo chuẩn bị cho buổi biểu diễn âm nhạc sắp tới. Trước khi đi, Thầy không quên dặn dò thằng con lớn coi chừng dùm mấy đứa em nhỏ. Chưa kịp đi thì chuông điện thoại lại reo vì có người cầu cứu, xin Thầy ra tay giúp dùm một bé gái đang bị cha ruột và bà mẹ kế bạo hành. Thầy phải đành lập tức nhờ người tìm hiểu để biết rõ ngọn ngành, trước khi quyết định đưa bé về trung tâm sống chung với các anh chị mà bé chưa hề quen.  Rồi Thầy vội vã ra đi; tạm gác lại chiếc áo của người cha, người Thầy và khoác lên mình chiếc áo của người nghệ sĩ.


Ai cũng biết nuôi con không phải chỉ đơn giản cho con miếng cơm manh áo, mà còn phải dạy dỗ cho chúng nên người. Trong trường hợp của Thầy thì Thầy phải dạy cho anh chị em phải biết thương yêu lẫn nhau, tuy không chung cùng máu mủ. Dạy cho biết bổn phận và trách nhiệm của mỗi người trong đại gia đình. Dạy để biết kỷ luật trong nhà, mà người xưa thường gọi là gia quy.

Dạy để cho con có kiến thức vào đời, thích nghi với cuộc sống, cho con hy vọng một ngày sau có tương lai sáng lạng hơn. Nuôi và uốn nắn trẻ từ lúc lọt lòng đến lúc trưởng thành đã là một việc khó, huống chi phải uốn nắn những đứa con đến từ tứ xứ, từ những hoàn cảnh thương tâm khác nhau, từ những lứa tuổi khác nhau. Vậy mà Thầy Vinh làm được, miệt mài làm trong âm thầm, không cần cầu lợi, đạt danh. Hèn chi, có đứa con ngoan, quay về thốt lời “Thầy cho con tất cả”. Âu cũng là lời giúp Thầy ấm lòng để tiếp tục làm cha, làm Thầy.



Nhờ Thầy đặc biệt quan tâm, các con của Thầy sống rất ngoan. Sáng, chiều có những đứa con thay nhau quét sân, giữ gìn vệ sinh chung cho chúng cư được sạch sẽ. Buổi sáng có những đứa con ra vườn rau sau nhà, cắt rau để lo cho bữa cơm trưa, bữa cơm chiều. Cũng có những chị em gái, quây quần trong nhà bếp, lặt rau, tuyển lựa trái cây (do các cô, chú bán trái cây trong chợ mến tặng) trước khi đưa vào tủ lạnh, nấu nướng chuẩn bị thức ăn cho đại gia đình. Đến giờ ăn, Thầy và các con chia nhau bữa cơm thanh đạm trong phòng ăn (nối liền với nhà bếp); ăn xong, mỗi người phải tự mình rửa chén và phơi ngay ngắn trong sóng chén. Nhìn vào, ai cũng cảm nhận được đây là một gia đình hạnh phúc. Đó là nhờ công lao của Thầy Vinh và sự hợp tác của các con.

Thầy Vinh cũng thành công trong việc giữ gìn kỷ cương trong trung tâm Hướng Dương theo truyền thống Việt nam. Phòng ngủ của các con chia thành hai khu: một cho nam, một cho nữ, với khu nhà tắm/vệ sinh riêng biệt cho nam, cho nữ. Mỗi người phải tự giác giữ gìn phòng ngủ và nhà vệ sinh cho sạch sẽ, tươm tất. Ban đêm đến giờ “giới nghiêm”, cổng ngăn chia hai khu phòng nam, nữ được khoá chặt cho đến khi trời sáng. Thầy cho các con được tự do tham dự tiệc tùng, nhưng rất nghiêm với việc vui đùa quá trớn, uống rượu, hút sách. Các con gái lớn muốn tham dự tiệc tùng ngoài giờ học, phải xin phép Thầy trước, và chỉ được tham dự sau khi Thầy cho phép.

Thầy Vinh sống rất dè sẻn, cho chính mình và cho trung tâm Hướng Dương. Thầy dạy các con phải biết quý những gì đang có, không sống phí phạm và chính Thầy đã làm gương cho các con. Có lần Thầy trách một đứa con vô tình dùng sợi dây quá dài để cột một thùng giấy vì sau cùng phải cắt đi phần dư thừa (mà đáng lẽ ra sợi dây dài đó có thể được dùng cho một việc khác hợp lý hơn).

Ít ai biết được Thầy Vinh rất tò mò và thích tự mình học hỏi, chế biến. Có ai dám tin rằng Thầy Vinh và các con đã từng lắp ráp (thành công) một chiếc xe hơi dã chiến, “made in Vietnam”, chạy bằng bình điện ắc quy, với tốc độ tối đa 40 cây số/giờ? Và cũng ít ai biết được Thầy Vinh rất thích thiết kế, xây dựng. Trong những tháng gần đây, Thầy Vinh cùng các con đã dành nhiều thời giờ để tự xây một hồ bơi ở phía sau trung tâm. Đây sẽ là nơi giải trí cho các con sau này. Hồ bơi có chỗ sâu đến 2,5 m, đủ sâu cho em nào muốn nhào lộn xuống hồ. Chung quanh tường trong hồ bơi được bọc bằng tấm nhựa dày, in hình cá bơi lội giữa đám san hô cùng các cây thuỷ sinh, thoạt nhìn cứ tưởng như mình đang đắm chìm trong thủy cung (đây là một sáng kiến của Thầy). Với ngân quỹ khiêm tốn, cộng thêm tính dè sẻn, Thầy đã đứng ra làm người chỉ huy cho các con lớn làm việc của người thợ mộc, thợ hồ, thợ hàn, thợ ống nước, thợ điện … Vô hình trung, Thầy đã đào tạo một lớp người trẻ với những nghề lao động bằng tay chân, và đồng thời giúp cho các con biết được cái nhọc nhằn của các nghề lao động này.

Sau sáu năm hoạt động, bây giờ nhiều người đã biết đến cơ sở Hướng Dương, đã biết đến thành quả của Thầy. Trong sáu năm qua rất nhiều ân nhân ở trong và ngoài nước đã cùng nhau góp sức để hỗ trợ và duy trì cơ sở Hướng Dương. Đã đến lúc cơ sở cần được phát triển thêm một chút nữa để có thể giúp thêm nhiều trẻ bất hạnh và để giúp các em theo kịp đà tiến hoá của các em khác sống ở bên ngoài cơ sở Hướng Dương. Trước mắt là việc giúp các em học thêm về máy tính và Anh ngữ để các em có thể dễ dàng tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Xin ai có lòng và có đủ điều kiện, hãy giúp một tay với Thầy Vinh.

Nếu ai để ý sẽ thấy Thầy Vinh bây giờ lưng còng hơn xưa. Việc Thầy làm thì quá nhiều, làm không xuể, nhưng Thầy không kêu ca. Cơ sở Hướng Dương cần thêm người, để đảm trách các việc làm hành chánh, để Thầy rảnh tay làm các việc khác quan trọng hơn.

Có lần ai đó đã tặng Thầy một tấm hình bông lúa vàng, nặng trĩu, gục đầu mà không kèm theo một lời giải thích. Phải chăng người đó đã âm thầm thán phục Thầy và nhắc khéo với Thầy rằng đừng quá cố gắng làm việc quá sức mình. Có phải vậy không?

NKP 2017




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét