Người ngày xưa thân ái

Kỷ niệm của một đời người thì nhiều lắm, khó mà diễn tả qua vài trang giấy, nhiều khi có thể viết thành sách cũng không chừng. Tuổi tôi bây giờ cũng gần cuối đời rồi và tôi thấy khó biết viết như thế nào cho nó trọn vẹn, để không được quên ai đó đã chia sẻ cùng mình những giây phút ngắn ngủi mong manh. Thôi thì qua vài dòng tâm tình trên những trang giấy này, tôi xin kể thêm một vài kỷ niệm nữa với những người, những nơi tôi đã sống qua trong thời gian còn “dính dấp” với đại học Laval. Và cuối bài tôi sẽ có vài tấm hình kỷ niệm thay lời viết, cũng một cách khác để đánh dấu những ngày xưa thân ái… Và tôi xin đi lại từ đầu. 

Những tuần lễ đầu tiên trên Campus đại học Laval đã cho tôi sống những giây phút thật nhẹ nhàng và yên tĩnh. Vì tôi đến đại học vào giữa tháng 08, tôi đã có dư nhiều thời gian để hoàn tất mọi thủ tục ghi danh và làm quen dần với khung cảnh mới trước khi mùa nhập học bắt đầu.  

Ngồi trên chuyến xe buýt Montréal – Québec vào mùa thu năm 1966, tâm tư tôi hơi có đôi chút ngổn ngang với những thoáng nghĩ đầy suy tư và lo lắng. Suốt dọc xa lộ 20, nhà cửa lúc bấy giờ rất ít so với ngày nay và đôi lúc tôi tự hỏi không biết mình có lấy nhầm xe buýt. Quang cảnh dọc đường 20 lúc bấy giờ hoang vắng, đồng không mông quạnh, thỉnh thoảng người lữ khách xa nhà mới nhìn thấy vài cột đèn lấp lánh báo hiệu những trạm xăng ven đường.  

Ba tiếng đồng hồ sau, xe buýt đến ga đỗ trung tâm của thành phố Québec, một nhà ga autocars èo ọp, cũ kỹ nằm ngay giữa lòng thành phố thấp (basse ville) của thủ đô Québec cổ kính. Tôi vội vã bước xuống xe. Lấy xong chiếc va-li cũ đem từ quê hương nặng chình chịch, tôi khệ nệ kéo nó vào bên trong bến xe. Và đây là niềm vui mừng đầu tiên đã đến khi tôi nghe có người hỏi tên tôi bằng tiếng Việt:

          -  Anh có phải là anh Vinh ?

Hai người đến đón tôi hôm đó là anh Phạm Cơ và anh Nguyễn Công Thành mà khi viết lên những dòng chữ này ký ức tôi vẫn còn hiện rõ hình ảnh hai anh. Hai anh giúp tôi mang va-li ra xe, tôi vẫn còn nhớ mãi chiếc xe Huê-Kỳ của anh Thành dài thườn thượt mà anh lái đưa chúng tôi về Campus Laval…Thủ tục lấy phòng cũng rất nhanh chóng vì tôi đã nộp đơn xin phòng từ trước. Phòng tôi là phòng đầu tiên nằm ngay cạnh văn phòng tiếp nhận (bureau de réception) của Pavillon Moraud. Mấy ngày kế tiếp, anh Phạm Cơ đã dắt tôi đi mở compte banque và đi xem trường, lớp học, thư viện, nơi bán các sách học và văn phòng phẩm (Les Presses de l’Université Laval), quán ăn sinh viên (Pollack), bệnh viện CHUL v.v…

Rồi đâu cũng vào đấy. Lúc ấy Laval vào mùa thu, Laval mùa thu đẹp thơ mộng. Khí hậu ban ngày không lạnh lắm, đi bộ quanh các cụm rừng nhỏ xung quanh các cư xá sinh viên là một hạnh phúc lớn. Nhiều hôm trời xanh ngắt không một gợn mây, đi bộ thong thả dọc theo những con đường đất phủ lá vàng đỏ óng ánh tạo thêm những kỷ niệm khó quên cho kẻ lữ thứ xa nhà. Lúc đó bao nỗi nhớ nhung, bao nỗi buồn xa quê, xa bạn bè, xa người thân biến đi đâu hết nhường chỗ cho những màu sắc linh động của lá cây nhảy múa trên nền trời xanh biếc của mùa thu Québec… Nghĩ đến trời xanh, xin chép tặng các bạn một câu thơ dưới đây, hình như là của thi sĩ Nguyễn Khuyến :  

"Trời thu xanh ngắt mấy từng cao, 
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu."  

Đầu tháng 09 là mùa nhập học. Đời sống trên Campus Laval đã trở nên nhộn nhịp. Những cư xá đã đầy người. Sinh viên đến từ khắp nơi, đa số là dân địa phương đến từ những thành phố và thôn làng lân cận. Ở cư xá Moreau, tôi đã bắt đầu gặp và chào hỏi các anh có phòng trong cùng hành lang. Đa số họ đến từ vùng Beauce. Giọng nói tiếng Pháp của các anh này thật khó nghe, thêm vào cách phát âm đặc biệt hình như chỉ có ở những người đến từ vùng Beauce. Họ không nói được chữ G, họ đọc thành chữ H. Anh Gilles bên cạnh phòng tôi tự đon đả giới thiệu :

       -  Salut, mon nom c’est Hilles, je viens de Saint Heorges de Beauce (dịch ra tiếng Pháp chính cống là: Salut, mon nom c’est Gilles, je viens de Saint Georges de Beauce)  

Mãi về sau tôi mới tìm ra tên thật của anh là Gilles Veilleux và chúng tôi đã trở thành bạn thân. Anh Gilles học ngành kỹ sư điện và qua anh tôi đã học hỏi được rất nhiều về cách sống và văn hóa người Québecois. Tôi vẫn nhớ mãi cái Noël đầu tiên được anh Gilles mời về nhà anh ở Saint Georges de Beauce. Lúc ấy vào mùa đông và khu trang trại của bố mẹ anh vẫn còn sưởi bằng lò đun củi thuộc loại «poêle à combustion lente». Tôi được mọi người thông cảm cho tôi ngủ ngay salon (phòng khách) cũng là nơi có lò sưởi vì họ nghĩ tôi vừa từ Việt Nam tới chắc không chịu được lạnh. Và họ đã không nghĩ sai. Dù nằm cạnh lò sưởi nổ tí tách về đêm, tôi vẫn phải đắp đầy mền quanh người và chỉ mấy hôm sau khi tôi nhìn vào gương thì thấy mụn mọc đầy trên mặt, không biết vì lạnh hay vì thay đổi cách ăn uống. Và nói đến ăn uống thì phải nghĩ đến sữa bò. Sáng nào anh Gilles và mấy đứa em cũng dậy rất sớm để đi vắt sữa bò. Vắt bằng tay. Sữa tươi vắt từ bò ngon làm sao và chưa bao giờ tôi đã uống sữa nhiều như thế.  

Anh Gilles có cái tật là sáng nào cũng ghé phòng tôi rủ tôi đi ăn sáng. Việc đầu tiên anh vào phòng là đặt cái dĩa nhạc 33 tours lên máy hát. Lúc đó nhờ dủng dỉnh tiền học bổng của Plan Colombo, tôi đã dành dụm và mua lại được một cái máy rất tốt của một anh sinh viên Việt Nam đang sửa soạn lên đường về nước. Máy hát hiệu Dual 1019 “Made in Germany” nổi tiếng thời đó. Anh Gilles rất thích nhạc ngoại quốc và toàn bộ dĩa nhạc của tôi là loại nhạc Rock của những năm 60. Từ những dĩa của ban The Beatles cho đến ban The Byrds, không dĩa nào mới ra mà tôi không mua. Tôi vẫn nhớ anh Gilles rất thích những bản như “No Milk Today” hát bởi nhóm Herman Hermits, hoặc bài “Bus Stop” trứ danh của ban The Hollies lúc bấy giờ. Ngày nay cứ mỗi lần nghe lại mấy bài hát này tôi lại nhớ đến anh Gilles…  

Và thời gian cứ thấm thoát trôi. Cuộc sống ở cư xá Moreau cũng không đến nỗi khó khăn và buồn tẻ. Mùa đông Québec thì quá khủng khiếp: nào bão tuyết, nào lạnh và gió. Từ khoảng tháng 12 trở đi là sinh viên mít ta cứ ru rú trong nhà, trong các cư xá và ít đi ra ngoài trừ các anh nào có xe hơi. Và những sinh hoạt của chúng tôi đa số lúc đó là sinh hoạt bên trong nhà (cái mà người ăng lô phôn họ gọi là Indoor Activities). Lúc đó cư xá thể dục thể thao (P.E.P.S.) nổi tiếng của đại học Laval chưa xây nên chuyện sinh hoạt thể thao của dân mít được thu gọn lại chung quanh mấy cái bàn bi da (billards) và bàn ping-pong trong mỗi cư xá.  Ngoài các sinh hoạt nấu cơm lén và sinh hoạt văn nghệ mà tôi đã kể cho các bạn nghe trong bài viết trước (xin xem lại đặc san Đất Lạnh 2013), sinh viên mít ta tối nào cũng quay quần chung quanh mấy chiếc bàn ping pong ở dưới sous-sol cư xá mình ở.  Khi thì đánh đơn, khi thì cặp đôi. Sous-sol của pavillon Moreau lúc nào cũng náo nhiệt sau buổi cơm chiều. Các tay đánh ping pong xuất sắc như Trần Văn Rê (với tên nickname là Hai Rề, mà anh này không rề chút nào), Huỳnh Hữu Tuệ và Mai Xuân Lương (với cái tên Lương Gà Mái nhờ vào mái tóc chải brillantine bóng loáng của anh và lối lừa và đưa banh của anh trên sân cỏ) thường hay có mặt. Sau này có thêm Trần Văn An (thường được bạn bè gọi là Giáo … Móm hay An Mọi tùy vào ai muốn chú trọng vào cái cằm hay màu da của anh!). Riêng tôi thì bạn bè cho cái tên là Vinh… dài vì tôi mảnh khảnh và cao lêu khêu, để không bị trùng tên với anh bạn Vinh …ngắn (lùn) (nay đã từ giã bạn bè về cõi Phật). Vinh…ngắn còn có cái tên khác là cậu Hai Cóc vì hình như anh tiên đoán thời tiết rất là chính xác.

Trong số những tay thích chơi ping-pong ở Moreau còn có các anh Hùng, Thư và Hiệp (học kỹ sư hóa học). Hai anh Hùng và Thư đã về nước sau khi ra trường. Anh Hiệp thì hình như vẫn còn ở Québec. Ngoài ra còn một anh nữa hiền lành và hay la cà với các anh qua cùng năm với anh là anh Phan Hảo. Anh này thuộc loại người trầm ngâm ít nói. Nhưng anh rất tốt với những người qua sau như tôi. Nhờ anh Hảo mà tôi có được những bài giải và đề thi cũ của những môn hóc búa như Thermodynamique (Nhiệt động học) và Mécanique des Fluides (Khí động học). Anh cũng là người để thì giờ chỉ các sinh viên mới về cách dùng thước tính kéo tay (thuở đó làm gì có máy tính điện tử tối tân như bây giờ).  

Phòng tôi vì nằm gần nơi ra vào của cư xá và gần lối chui đường hầm đi ăn Pollack nên lúc nào phòng cũng đầy bạn bè ghé thăm. Đông nhất là mấy anh em học năm thứ nhất ngành kỹ sư trong đó tôi phải nhắc đến anh Dũng “bầu” (còn có tên nickname nữa là Zumi, anh mất cách đây vài năm), và anh Hải “Cụ” cũng học ngành điện. Năm thứ nhất vì chúng tôi học chung rất nhiều cours nên chúng tôi thường họp nhau làm bài và ôn bài chung ở Moreau. Riêng Hải “Cụ” thì rất hay ghé thăm tôi vì anh rất thích nghe những chuyện tôi kể về cái Xóm Đạo Tân Định của tôi. Cái Xóm Đạo ấy là nơi đã quy tụ nhiều du đãng khét tiếng Sài Gòn thuở đó. Từ Đại Ca Thay, Tài “chém”, Ngọ “mập” (ông này vẫn còn sống và tôi có gặp lại ở Việt Nam, có đứa con tên rất ngầu : Nhựt “cùi” (vì một ngón tay bị đứt) đã từng là đàn em của Năm Cam), Hai Nở, Lộc “lùn” (vua nhảy bebop, nổi tiếng trong các boum và các phòng trà ở Sài Gòn một thời) cho đến Cà Na “cắn chỉ” (Cà Na về sau nghe nói bị cảnh sát quốc gia dàn cảnh thủ tiêu). Rồi tôi kể chuyện “thằng đầu bự” của Xóm Đạo, Hải “Cụ” nghe mê say và hễ gặp tôi đâu lại nằng nặc đòi nghe kể thêm về cuộc đời “thằng đầu bự”.  Hôm nào rảnh chắc tôi phải viết một truyện ngắn đặc biệt về “thằng đầu bự”.  

Vào những năm sau này, từ năm 1972, chúng tôi đã rời thành phố Québec thân yêu và về sống ở Ottawa nơi tôi tiếp tục đo đạc và làm thí nghiệm cho luận án Doctorat. Tại Ottawa tôi cũng có những kỷ niệm đẹp với một số sinh viên Việt Nam mà tôi đã kể lại trong đặc san năm 2013. Phần lớn những sinh viên đi du học với học bổng Colombo thời tôi may mắn không bị nhà nước Canada bắt về nước sau khi học xong. Chính phủ liên bang (qua bộ di trú) có chính sách rất khoan hồng với sinh viên Việt Nam thời đó và nhờ vậy mà chúng tôi được tiếp tục ở lại học (và dĩ nhiên không được cho phép đi làm, nghĩa là lấy job của người dân bản xứ, trừ phi được cấp giấy thành di dân chính thức, tức là được cấp thẻ “landed immigrant” tương đương với cái titre résidence permanente thời nay).  

Rồi đến năm 1974, tôi may mắn được học bổng đi Pháp. Học bổng của chính phủ Pháp và chính phủ Canada, vừa đủ trả tiền nhà và ăn uống chứ không dư dả bằng học bổng Plan Colombo. Đời sống ở Pháp lúc đó cũng không đủ tiện nghi bằng Canada. Nhất là vào những năm đó, chính phủ Pháp cấm người dân không được dùng những máy sưởi chạy bằng dầu hỏa vì lúc đó cả Âu Châu đang lâm vào tình trạng bị phong tỏa về dầu hỏa bởi các nước Ả Rập. Trời về đêm ở Poitiers nơi tôi du học vừa lạnh vừa ẩm vì mưa nhiều. Không được phép dùng máy sưởi, người dân phải đốt củi hoặc dùng máy sưởi điện (và tiền điện bên Pháp đắt vô cùng). Tôi còn nhớ mãi kỷ niệm tắm bằng nước đun sôi. Mỗi tối tôi phải nấu nước sôi đổ đầy vào chậu rồi đem chậu này vào nhà tắm. Hòa nước nóng với chút nước lạnh cho đủ ấm và cứ như thế dùng gáo dội và tắm …ngồi. Nước nóng ấm cho tôi thật nhiều hạnh phúc trong những ngày lạnh lẽo ở Poitiers. Sau này nhớ lại những giây phút đó, mỗi khi đi tắm ở Canada hay nơi nào khác, tôi vẫn còn chút thói quen tiết kiệm nước và sợ chưa dám vặn nước nóng quá hoặc tắm quá lâu.   

Về lại Laval năm 1975, sau khi cộng sản chiếm miền Nam, tôi trình luận án và rời Laval sau đó và nghĩ là sẽ không bao giờ trở lại đây. 

Nhưng có ai biết được tương lai. Tôi chép một đoạn bài Mộng Viễn Du của Văn Phụng để nhắc đến mấy chữ “có ai biết đâu chuyện tình cờ”:  

Có ai biết chăng chuyện tình cờ. 
Có ai biết đâu nào mà ngờ.
Vào một đêm trăng sáng,
hồn nhạc thơ lai láng,
thiết tha êm đềm mơ hồ.  

Năm 1981, chàng sinh viên trẻ thuở nào lại …vác bút nghiên trở lại Laval. Nhưng lần này tôi đóng vai gõ đầu trẻ. Tôi được cái vinh hạnh lớn trong đời: tôi trở thành giáo sư của phân khoa kỹ thuật cơ khí (département de génie mécanique), nơi mà tôi đã học, đã được đào tạo và tốt nghiệp. Lúc này thì tôi không còn bỡ ngỡ như những ngày đầu tiên đến Laval. Tôi hòa nhập với nếp sống mới rất dễ dàng cho đến khi đổi việc về lại Ottawa năm 1989. Và từ đó tôi làm việc ở Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Gia (N.R.C.) cho đến năm 2008 khi tôi về hưu. 

Ngày nay ngồi ôn lại những giây phút êm đềm thời xa xưa, lòng tôi tràn đầy sự biết ơn. Tôi đã may mắn có một cuộc sống không nhiều truân chuyên. Và những ngày xưa thân ái đó tôi xin gói ghém trong những bài viết ngắn trên đặc san Đất Lạnh để ghi lại một phần những tình cảm đậm đà mà tôi đã chia sẻ cùng bạn. Xin chép xuống đây vài dòng của bài hát “Những Ngày Xưa Thân Ái” của Phạm Thế Mỹ và xin bạn cùng tôi hát theo cho vui:  

Những ngày xưa thân ái anh gởi lại cho ai
Gió mùa xuân êm đưa rung hàng cây lưa thưa
Anh cùng tôi bước nhỏ áo quần nhăn giấc ngủ
Đi tìm chim sáo nở ôi bây giờ anh còn nhớ?  

Xin tạm ngừng bút và thân chúc các bạn luôn vui và nhiều sức khỏe. Dưới đây là vài tấm hình của những ngày xưa thân ái mà tôi đã được hạnh phúc sống qua :  

Hình 1 : Ban Du Ca và ca hát giúp vui trong đám cưới anh Định chị Phương
(hình các chị Túy, Hạnh và Lan, đằng sau : Kỷ, Đỉnh và Vinh “dài”)
Hình 2: Hát giúp vui trong đám cưới anh Thành chị Nguyệt 
(người bị che khuất trên hình là anh Toàn nhà ta,
ca sĩ trứ danh Laval thời bấy giờ)
Hình 3: Ban Hợp Ca Sinh Viên VN (đại học Laval)
trình diễn trong đêm văn nghệ gây quỹ cho chương trình
bảo lãnh người Việt tị nạn trên các đảo ở
Nam Dương và Mã Lai (1989)  
Hình 4: chàng tuổi trẻ vốn dòng “hào kiệt”,
hình chụp trước cái máy đo ở N.R.C. (Ottawa, 1973)

Nguyễn Duy Vinh (2017) 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét